Bốn vấn đề khi đề cập đến các mối quan hệ trong xây dưng chiến lược phát triển   

Bốn vấn đề khi đề cập đến các mối quan hệ trong xây dưng chiến lược phát triển   
Khi xây dựng Chiến lược phát triển của lĩnh vực, ngành, hệ thống nào đó thường xuất hiện mâu thuẫn trong việc xử lý một số mối quan hệ giữa các thành tố của cấu trúc Chiến lược. Một số vấn đề lý luận chung khi xử lý các mối quan hệ giữa các thành tố cần quan tâm nghiên cứu trong quá trình xây dựng chiến lược phát triển. 

Đại hội lần thứ 13 của Đảng đã thông qua “Chiến lược phát triển Kinh tế-Xã hội 10 năm 2021-2030”. Hiện nay các ngành, các lĩnh vực đều đang nghiên cứu triển khai xây dựng Chiến lược phát triển thời gian tới của mình, tại Nghị quyết  số 50/NQ-CP ngày 20/05/2021 của Chính phủ về Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết Đại hội Đại biểu lần thứ XIII của Đảng, Chính phủ đã giao nhiệm vụ cho Bộ Lao động Thương binh và Xã hội (Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp) xây dựng “Chiến lược phát triển giáo dục nghề nghiệp giai đoạn 2021-2030 tầm nhìn đến 2045”,  trình Chính phủ phê duyệt trong năm 2021. 
Quan hệ giữa mục tiêu và giải pháp
Khái niệm mục tiêu, giải pháp và sự phân biệt các khái niệm có ý nghĩa rất quan trọng cho việc xây dựng, thực thi và đánh giá chiến lược. 
- Mục tiêu là những đích mà ta phải đến, nó được xác định dựa vào nhu cầu và điều kiện khách quan và chủ quan. Mục tiêu có thể là mục tiêu chung và các mục tiêu cụ thể (vấn đề trọng tâm hoặc phân kỳ theo từng phân kỳ giai đoạn). 
- Giải pháp luôn được coi là cách thức để đạt được mục tiêu đặt ra. Giải pháp chỉ trở nên hữu dụng khi gắn với một mục tiêu cụ thể và được lựa chọn để giúp đạt được mục tiêu.  
Xây dựng chiến lược là xác định trước tiến trình phát triển của lĩnh vực, ngành, hệ thống cho một giai đoạn trong tương lai, trong đó việc xác định mối quan hệ giữa mục tiêu và giải pháp có ý nghĩa quan trọng, quyết định tính khả thi của chiến lược. Khi mục tiêu đã được lựa chọn, những giải pháp thích hợp được xác định sẽ giúp đạt được mục tiêu đó. Kết quả đạt đựơc theo dự kiến thông qua hoạt động giám sát đánh giá sẽ khẳng định tính hữu dụng của giải pháp. 
Mối quan hệ giữa các yếu tố vật chất và phi vật chất
Có quan niệm khác nhau về vấn đề nay. Có ý kiến nhấn mạnh đến yếu tố các nguồn lực vật chất và coi đó là cơ sở quan trọng nhất để lựa chọn mục tiêu và đề xuất các giải pháp chiến lược. Điều này xuất phát từ quan niệm muốn khẳng định rằng chiến lược không phải là những ý tưởng và mong muốn chủ quan mà phải được xác định trên cơ sở xem xét đến khả năng thực hiện mục tiêu, những  ý tưởng chiến lược đã nêu ra. Vì vậy, mục tiêu chiến lược phải sát với thực tế, không chủ quan duy ý chí. 
Tuy nhiên nếu chỉ dựa vào nguồn lực vật chất như là một cơ sở duy nhất thì không đầy đủ và không xác đáng. Chiến lược cũng cần phải thể hiện được vai trò rất quan trọng của các yếu tố phi vật chất trong quá trình phát triển như: Ý chí của người quản lý,  cơ chế chính sách,  kinh nghiệm từ hoạt động thực tiễn và kinh nghiệm quốc tế, năng lực quản lý hệ thống,  bối cảnh và những thách thức, các lợi thế so sánh và  môi trường trong nước, khu vực và quốc tế có liên quan. 
Mối quan hệ giữa định hướng, định tính và định lượng 
Việc xác định các mục tiêu của chiến lược trong một khoảng thời gian nhất định tự thân nó đã đòi hỏi phải có sự kết hợp chặt chẽ giữa định hướng, định tính và định lượng. 
-  Định hướng:  vấn đề cần nhấn mạnh là chiến lược trước hết phải có những định hướng đúng.  Định hướng đúng bao gồm việc chọn đúng vấn đề cần giải quyết và chọn đúng con đường và giải pháp để giải quyết. Như vây, chiến lược mang tính chọn lựa rất cao nên cần phải kết hợp tất cả các yêú tố vật chất và phi vật chất để lựa chọn mục tiêu và giải pháp. 
- Định tính và định lượng: Định tính của chiến lược, xét trong mối quan hệ với định lượng, thực chất là khái quát của định lượng. Sự biến đổi về chất của hệ thống thể hiện rõ nét khía cạnh định tính của chiến lược. Tuy nhiên cũng phải khẳng định sự cần thiết và mức độ của những tính toán định lượng của chiến lược, phải tạo ra những biến đổi nhất định về lượng; nếu không tính toán và định được những yếu tố định lượng này thì chiến lược chỉ còn là những quan điểm và tư tưởng phát triển mà thôi. Chính nhờ sự tính toán định lượng này mà chiến lược thể hiện được tính khả thi (những văn kiện như cương lĩnh hoặc đường lối chung thường ít quan tâm đến tính toán này). 
Trong việc xây dựng chiến lược hiện nay, xoay quanh chủ đề định hướng, định tính và định lượng vẫn còn có những ý kiến khác nhau. Nhiều người đòi hỏi việc xây dựng chiến lược phải có đủ căn cứ và tính toán định lượng chi tiết, nhưng cũng có nhiều người lại yêu cầu chiến lược phải có tầm khái quát cao hơn, bớt cụ thể hơn, nhất là trong bối cảnh hiện nay quá nhiều thay đổi và dư báo không đoán định được. Vì vậy:
- Nếu đòi hỏi chiến lược phải tính toán rất cụ thể và có đủ căn cứ định lượng cho nhiều yếu tố về nguồn lực, nhất là đối với nguồn lực bên ngoài là điều chưa thể làm ngay được. Trong khuôn khổ của đề án chiến lược, yêu cầu về việc tính toán định lượng chưa đến mức quá chi tiết, đầy đủ, chính xác, cụ thể, tỉ mỉ… Việc tính toán định lượng kỹ hơn sẽ được giải quyết trong khi xây dựng quy hoạch, kế hoạch (dài hạn, trung hạn hoặc ngắn hạn..). 
- Nếu đòi hỏi chiến lược có mức khái quát hơn sẽ có thể dẫn đến trường hợp có sự trùng lặp với cương lĩnh, đường lối.  Kinh nghiệm xây dựng và thực hiện chiến lược phát triển cho thấy chiến lược phải có tính mền dẻo, linh hoạt ở mức cần thiết, nhất là đối với các mục tiêu và giải pháp đã được lượng hóa, để thích ứng với những biến đổi điều kiện, thời điểm và môi trường trong và ngoài nước.
Mối quan hệ giải quyết các vấn đề trước mắt và lâu dài, giữa đổi mới, ổn định và phát triển
- Thông thường, chiến lược chỉ đặt ra và giải quyết những vấn đề có thời gian dài hoặc tương đối dài. Đó là chiến lược được hoạch định trong tình hình kinh tế, và chính trị của đất nước tương đối ổn định và phát triển bình thường.  Trong những trường hợp các điều kiện chưa ổn định thì việc hoạch định chiến lược cũng mang tính chất tình thế nhiều hơn. 
- Khi lựa chọn những giải pháp cần tính tới những yêu cầu và những điều kiện thực tế trong giai đoạn ngắn để đạt tới mục tiêu cụ thể trong mỗi bước đi; đồng thời vẫn phải có giải pháp chung bao trùm toàn bộ quá trình thực hiện chiến lược. Kinh nghiệm thực hiện các chiến lược cho phép khẳng định tính thống nhất của các quá trình, các giai đoạn phát triển. Trong thực tế nó hòa quyện, đan xen vào nhau, từ đó đòi hỏi phải có sự lý giải và những giải pháp ứng xử phù hợp với toàn bộ qúa trình.
- Trong khi xây dưng chiến lược luôn xuất hiên mối quan hệ giữa đổi mới - ổn định - phát triển. Trong hoạt động thực tiễn, khi  xác đinh mục tiêu, nhiệm vu và giải pháp  chiến lược đòi hỏi phải giải quyết hài hòa  mối quan hệ  giữa  ba yếu tố đổi mới - ổn định - phát triển và phải được xem xét trong trạng thái động và linh hoạt theo từng nhiệm vụ, từng giai đoạn và bối cảnh cụ thể. Trong ba yếu tố đổi mới - ổn định - phát triển:  ổn định là điều kiện là cơ sở để phát triển; đổi mới là phương thức để thực hiện và cuối cùng phát triển phải là kết quả tất yếu của quá trình đổi mới.

Bình luận

0 bình luận, đánh giá

TVQuản trị viênQuản trị viên

Xin chào quý khách. Quý khách hãy để lại bình luận, chúng tôi sẽ phản hồi sớm

Trả lời.
Thông tin người gửi
Thông tin người gửi
0.06110 sec| 667.898 kb